Chiến lược chinh phục học bổng Mỹ với niềm say mê tâm lý học của cô nàng Amser
Tin vui đến với Trần Nhật Mai vào giữa tháng 3 khi em nhận học bổng của trường đại học Michigan – Ann Arbor. Với cô bạn chuyên Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, các gói hỗ trợ tài chính từ trường chính là thành quả sau một thời gian dài dốc sức vào việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ. Việc du học Mỹ đã được gia đình Mai định hướng giống như chị gái. Với một mục tiêu đường dài, kết quả học tập của Mai rất vượt trội: GPA 9.6, 4 giải thi tiếng Anh cấp Thành phố, IELTS 8.0, SAT 1530 (cao hơn 90% thí sinh khác). Điều đặc biệt nữa trong hồ sơ của Mai là điểm số AP tuyệt đối cho 2 phần thi English Language và Psychology.
Niềm yêu thích dành cho tâm lý học
Chuyên ngành nghiên cứu về mối liên kết giữa hành vi con người và tâm trí không phải là một chuyên ngành được quan tâm nhiều trong nước nhưng lại rất phát triển tại Mỹ. Đây cũng là một ngành rất khó, đòi hỏi người học phải có những tìm hiểu chuyên sâu. Phạm vi của tâm lý học còn được liên kết chặt chẽ với các khía cạnh xã hội, kinh tế, chính trị,…Mặc dù đã gây được những chú ý nhất định trên thế giới, tài liệu về ngành học vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Đứng trước những thách thức và bất lợi, Nhật Mai vẫn quyết định theo đuổi ngành tâm lý học bởi mong muốn được góp phần xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho cộng đồng. Để có kiến thức thực tiễn phục vụ cho việc học sau này, Mai đã đăng kí tham gia các dự án tìm hiểu tâm lý doanh nghiệp của ĐH Minnesota – Twin Cities với vị trí trợ lý. Trong thời gian này, cô học sinh đã hỗ trợ các học giả tìm kiếm, phân tích các định hướng về bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp. Ngoài ra, Mai còn tham gia vào quá trình nghiên cứu về tâm lý học đường dành cho học sinh THPT. Bạn trực tiếp thiết kế khảo sát, phân tích số liệu và tổng hợp thành những báo cáo chi tiết và hàm súc.Một điều đáng ngưỡng mộ là những công việc mang tính chuyên môn và học thuật này lại được một học sinh cấp 3 đảm nhiệm rất xuất sắc. Những đóng góp của Mai vào những công trình nghiên cứu đã cho thấy sự nghiêm túc và quyết tâm khi lựa chọn theo chuyên ngành mơ ước.
Mong mỏi được kết nối với cộng đồng
Ngoài tâm lý học, nhạc Rock chính là niềm đam mê lớn nhất của Mai. Từ 2019, Mai giữ chức Chủ tịch CLB Hanoi-Ams Rock Club sau một thời gian hoạt động với tư cách là thành viên. Công việc yêu thích nhất của bạn là hát và luyện thanh cho các thành viên khác trong nhóm – ca hát xóa mọi ưu phiền, tiễn nỗi buồn bay xa. Ngoài biểu diễn cho trường, Mai và các thành viên đã đứng ra tổ chức các show diễn độc lập như “Hallway to Hell”, “Route”, “We live in a sock”,…với toàn bộ số tiền thu được dành quyên góp cho trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội. Cô bạn đồng thời còn là người đồng sáng lập của “Forth Wave Project” – dự án về bảo vệ cho bình đẳng giới. Không mang tâm lý né tránh những vấn đề nhạy cảm, cô học sinh trường Ams muốn được làm rõ về nạn xâm hại tình dục mà phụ nữ Việt Nam đang đối mặt. Thông qua những chia sẻ và sự cảm thông của những thành viên dự án, các nạn nhân đều dũng cảm nói ra những bất công mà họ từng phải chịu đựng. Bên cạnh đó, tổ chức nữ quyền này luôn đón chào và sẵn sàng ghi nhận những đóng góp tích cực từ cộng đồng. Trong suy nghĩ của Mai, việc thu nhận thông tin từ nhiều nguồn sẽ mở rộng hiểu biết về chủ đề cũng như có những luận điểm vững chắc hơn để bảo vệ quan điểm của mình.Một lãnh đạo tốt phải biết gắn kết mọi người
Mai cũng dũng cảm thừa nhận: “Em từng là một người hướng nội”. Cô bạn từng khá rụt rè khi phải mở lòng với mọi người. Tuy nhiên, sau khi tham gia CLB nhạc rock và nhận được sự giúp đỡ của những thành viên đi trước, chính mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên trong đội là nguồn cảm hứng lớn nhất khiến Mai trở nên mạnh dạn hơn và nhận ra được tiềm năng trong con người mình. Theo quan điểm của Mai, mọi thành viên đều là mảnh ghép quan trọng trong sự tồn tại chung của một tổ chức. Việc giúp đỡ lẫn nhau sẽ góp phần làm mọi người hiểu rõ về nhau hơn và từ đó sẽ hình thành những lí tưởng và mục tiêu chung. Vì vậy người đứng đầu có sứ mệnh đầu tiên là tạo ra một môi trường khiến cho mọi thành viên đều cảm thấy thân thuộc và không ngần ngại chia sẻ những gì mình nghĩ.
Hãy luôn tự tin vào chính mình
Vào 2 năm trước đây, Mai không tự tin về khả năng viết của mình dù cô nữ sinh có vốn từ và kiến thức rộng nhờ đọc nhiều sách. Khó khăn này một phần do Mai có quá nhiều ý tưởng nhưng chưa biết cách kết nối chúng thành một mạch hoàn chỉnh. Điều khiến Mai lo lắng nhất, không phải vì em không có kĩ năng viết, mà là sự tự ti khi so sánh bản thân mình với các bạn xung quanh. Là học sinh trường Ams, sự cạnh tranh để dành những suất học bổng với số lượng ít ỏi khiến cô gái 17 tuổi cảm thấy áp lực rất nhiều. Khi tham gia lớp viết luận tại American Study, Mai đã có cơ hội gặp gỡ cô Jessie – người sau này trở thành một người bạn thân thiết của Mai. Sau khi được cô hướng dẫn, Mai đã tự tin hơn nhiều để triển khai những ý tưởng và biết cách kết hợp kĩ năng đọc tài liệu để cải thiện kĩ năng viết của mình. Thành quả lớn nhất của quá trình viết luận khá khó khăn là sự nhận thức rằng bài luận chính là nơi để thí sinh phản ánh rõ ràng nhất những nét riêng biệt trong tính cách cũng như điểm nổi bật trong quá trình phát triển yếu tố con người, do vậy, bạn đã dành sự thời gian và công sức rất nhiều để hoàn thiện bài luận của mình.