Ngày 27/1, CLB The Blue – một CLB hoạt động vì cộng đồng do một nhóm học viên của American Study thành lập – đã tổ chức thành công chuyến đi thiện nguyện “Đông ấm áp – Tết yêu thương” tại xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị. Hoạt động ý nghĩa này hướng đến các bệnh nhân suy thận đang chạy thận hàng tuần ở bệnh viện Bạch Mai, không thể về quê ăn Tết, giúp họ có một cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn.
Dưới đây là bài thu hoạch của em Phú Mạnh – một học viên American Study đồng thời cũng là Phó Chủ Tịch của CLB The Blue sau chuyến đi từ thiện. (Xem bài viết gốc bằng tiếng Anh tại đây)

Đã bao giờ bạn nghe về những bệnh nhân suy thận? Chắc hẳn là rồi. Nhưng, họ sống ra sao, đối mặt với căn bệnh đó như thế nào, liệu bạn có biết? Tôi tin là không nhiều người từng nghe về những điều này. Mới gần đây thôi, một chuyến đi thiện nguyện đã ghi lại những khoảnh khắc chân thành, sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi…
Sự kiện này được tổ chức bởi một CLB mới thành lập với cái tên “The Blue”. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, thường xuyên tổ chức các hoạt động vì cộng đồng. Tôi may mắn khi có được cơ hội tham gia một trong những hoạt động như vậy. Đó chính là chương trình thiện nguyện “Đông ấm áp – Tết yêu thương”, được tổ chức đặc biệt cho 129 bệnh nhân nghèo với căn bệnh suy thận, phải chạy thận nhân tạo một vài lần/tuần bằng máy lọc máu tại bệnh viện Bạch Mai. Thật không may là vì hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe không cho phép, họ không thể trở về nhà thường xuyên hay thuê nhà nghỉ liên tục, nên phải sống trong một xóm trọ nhỏ gần đó. Sau cả một quá trình chuẩn bị, sự kiện chính diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 27 tháng 1. Dưới đây là ghi chép của tôi về những gì đã diễn ra vào ngày hôm đó.
10h30 – 11h15 sáng:
Tôi và các bạn trong CLB đến trung tâm, gói những món quà, mỗi món gồm 1 lốc Red Bull (một loại đồ uống tăng lực) và một hộp mứt Tết. Từng món quà dần được hoàn thiện nhanh chóng, gọn gàng với sự nỗ lực của tôi và các thành viên khác.
11h15 – 12h trưa:
Giờ nghỉ trưa: chúng tôi ăn trưa và duyệt lại kế hoạch.
12h – 1h30 chiều:
Mỗi phần quà được cẩn thận đưa ra xe, sẵn sàng để vận chuyển.
1h30 – 2h chiều:
Di chuyển đến xóm trọ.
2h – 3h chiều:
Chúng tôi mang theo những món quà trên tay mình, đi bộ sâu vào một con hẻm, tách biệt khỏi con phố lớn bên ngoài. Đến nơi ai cũng ngạc nhiên bởi một dòng người dài đứng khắp con hẻm nhỏ. Nhìn họ có vẻ xanh xao, lòng tôi chợt thoáng buồn. Sau bài phát biểu của Chủ tịch CLB, chúng tôi được đại diện của xóm trọ cảm ơn và nói qua về tình trạng bệnh cũng như cuộc sống của các bệnh nhân ở đây: về cách họ chống trọi với căn bệnh hiểm nghèo và những công việc họ đang làm để kiếm tiền chữa bệnh, dù ít hay nhiều. Chúng tôi lắng nghe câu chuyện trong im lặng, một nỗi buồn man mác dấy lên trong lòng. Rồi chúng tôi lần lượt trao hết 129 phần quà cho các bệnh nhân. Chỉ một chút rạng rỡ trên gương mặt họ đã là những phần thưởng quý giá nhất đối với tôi, để an lòng rằng chúng tôi đã có thể xoa dịu nỗi đau họ đang phải chịu đựng, dù chỉ một chút, dù chỉ trong khoảnh khắc mà thôi.

Khi tất cả những món quà đã được trao đi, tôi có cơ hội để nói chuyện với một bệnh nhân, một người đàn ông trung niên có vẻ ngoài thiếu sức sống (xin phép được giấu tên bác). Chỉ một cuộc nói chuyện ngắn ngủi nhưng bao cảm xúc không thể nói thành lời đã diễn ra trong tôi. Tôi gần như độc thoại khi chỉ có tôi đặt ra câu hỏi cho bác. Hỏi càng nhiều, trong lòng tôi lại càng nhiều suy nghĩ và cảm xúc.
Tôi hỏi quê bác ở đâu, bác bảo ở Nam Định, một tỉnh cách Hà Nội khoảng 100km. “Cũng khá xa” – Tôi nghĩ.
Tôi hỏi bác đã chạy thận được bao lâu. “Bác sống ở đây được 14 năm, còn từ lúc phát hiện ra bệnh đã 20 năm rồi” – bác trả lời. Tim tôi nhói lên. 20 năm, còn hơn cả số năm tôi sống trên đời này, thật sự là một hành trình đầy đau đớn. Giống như là khi tôi đang ngủ ngon trên chiếc giường ấm áp của mình thì bác lại đang phải vật lộn trên giường bệnh. “Đúng là, mỗi người một số phận” – tôi buồn bã nghĩ.
Vì muốn biết nhiều hơn về bệnh suy thận, tôi hỏi bác nhiều hơn về căn bệnh này. Bác vén tay áo, để lộ 3 vết bầm trên cánh tay. Tôi thật sự bị sốc. Bác cho tôi chạm vào những vết bầm đó và nói “Đây là mạch máu bị sưng”, rồi nhẹ nhàng xoa lên chúng như thể chúng đã gắn liền với cơ thể bác từ rất lâu rồi. Bác nói tiếp “Thận của những người như bác đã không thể chữa khỏi được rồi, không thể lọc máu, vậy nên phải sống phụ thuộc vào những phương pháp trị liệu thay thế như lọc máu qua ống tiêm thôi”, qua từng hơi thở yếu ớt, bác kể cho tôi quá trình trị liệu. “3 lần một tuần, mỗi lần khoảng 3.5-4 tiếng tùy từng bệnh viện”, “chế độ ăn đặc biệt theo chỉ dẫn của bác sĩ”. Bác vẫn tiếp tục kể, trong khi đó, tôi ghi nhớ hình ảnh của bác trong đầu, về cách mà bác chống trọi, chịu đựng nỗi đau. “Mỗi lần như thế có đau không bác?” – Tôi hỏi. “À, không. Chỉ thấy mệt khi mạch máu sưng lên thôi” – bác buồn rầu trả lời. Dường như mắt tôi mờ đi một chút. Tôi không tin là mình đã khóc. Tôi không biết nữa. Chỉ là tôi chưa thể đón nhận cảm xúc này. Tôi nghĩ: “Đương nhiên là đau rồi”. Bác không cảm thấy như vậy nữa vì bác đã quen với nó trong suốt 14 năm. Tại sao điều đó có thể xảy ra với một con người chứ? Cả một quá trình đằng đẵng phải tập quen với những cơn đau? Tôi không biết nữa…
Người ta nói “Đổi chủ đề câu chuyện có thể làm thay đổi không khí”. Vậy nên, tôi hỏi về gia đình bác và bác kể cho tôi về con trai bác. Anh đã bỏ học sau khi học hết cấp 3 để kiếm tiền chữa bệnh cho bố, phải đi nhiều nơi (gần đây là Lào Cai) và họ rất ít khi gặp nhau. “Lại là một chủ đề khó nói” – hình như tôi lại động chạm đến nỗi đau của bác rồi. Tôi không muốn cuộc trò chuyện này sẽ làm tâm trạng bác đi xuống. Tôi tha thiết mong muốn một chủ đề nhẹ nhàng, vui vẻ, chứ không phải như thế này. Tôi nên nói gì đây? Thật lòng, tôi cũng chẳng biết nữa.
“Sắp Tết rồi. Bác có dự định gì không?” – Tôi cố gắng gợi chuyện. “Chắc là, năm nay bác không về quê ăn Tết được rồi. Tuy là được trợ cấp để chữa bệnh nhưng vẫn phải trả tiền thuốc men, đồ ăn thức uống, điện nước, cũng phải đến 5-7 triệu mỗi người. Vé xe thì cắt cổ. Chắc phải 1 triệu ấy chứ? Mà cháu biết không, về nhà bác cũng chả giúp được gì. Nhưng ở đây tán gẫu với mọi người cũng vui (bác cười). Kiểu như là văn hóa của cả xóm trọ ấy? Ở đây thân nhau lắm (bác lại cười)”. Tôi thật sự không biết phải nói gì. Đây là kiểu lạc quan gì đây? Tôi chẳng biết nữa. Tôi chỉ muốn nói về điều gì đó để không khí vui vẻ lên. Nhưng mà không, bác ấy đã cười mà. Tại sao chứ? Ý tôi là, Tết là dịp mọi người về sum họp bên gia đình, là dịp lễ đặc biệt nhất trong năm. Tại sao tôi lại đau như thể tim tôi bị cứa ra vậy? Một lần nữa, tôi chẳng thể hiểu.
“Ít nhất thì bác có thể đợi anh ấy lấy vợ có con mà!” – hết thời gian cho tôi rồi, tôi thật sự cần nói gì đó vui vẻ hơn. Sẽ ổn thôi, nếu đó không phải là điều gì chạm vào nỗi đau của bác. “Ôi nếu được thế thì tốt, nhưng cũng không chắc được”. Có gì không chắc chắn ở đây? “Bị suy thận có thể gây tăng hoặc giảm huyết áp. Hôm nay sống tốt nhưng ngày mai có khi chết lúc nào không hay” (bác mỉm cười với tôi).
“Bác có lịch chạy thận với bác sĩ 30 phút nữa. Chắc giờ phải đi rồi”. Anh Toàn, một thành viên của CLB đi đến. “Bác muốn chụp ảnh với chúng cháu không ạ?” – anh hỏi bác. “Được chứ, mấy khi gặp các cháu thế này, sao lại không nhỉ?”. Thế rồi, một bức ảnh đã được chụp lại. Một khoảnh khắc đáng nhớ đã được lưu lại mãi mãi.
3h – 3h30 chiều:
Chúng tôi dọn dẹp rồi sau đó trở về trung tâm.
3h30 – 4h chiều:
Tôi về nhà.

Nụ cười ấy. Một người đàn ông nói về cái chết của mình như thể nó chẳng là gì. Nụ cười ấy xuất phát từ đâu? Tôi chẳng biết nữa.
Nụ cười ấy ám ảnh tôi suốt đường về. Nghĩ lại thì, nó giống như một bông hoa tỏa sáng giữa đêm tối. Con người ta, giữa những hoàn cảnh éo le nhất, vẫn có thể cười một cách rạng rỡ nhất. Không chỉ bác bệnh nhân tôi nói chuyện cùng mà tất cả những người như bác đều có sức chịu đựng vô biên và nguồn năng lượng lạc quan bất tận. Từ thương cảm cho họ, tôi cảm thấy một niềm kính trọng sâu sắc. So sánh với những chiến binh một thân một mình chiến đấu với bệnh tật, tôi chỉ là một thẳng ngốc. Tôi nghĩ lại những lần tôi phàn nàn về đồ ăn hay khi tôi cáu giận bố mẹ chỉ vì vài điều lặt vặt.
Đồng hồ vẫn cứ chạy. Thời gian vẫn cứ trôi. Số phận của mỗi người đều nằm trong tay họ.
Một số người sinh ra trong giàu sang. Một số người sinh ra với nỗi đau bệnh tật.
Vậy thì, những người bất hạnh có nên an phận? Không, họ vẫn cố gắng hết sức để khắc phục nghịch cảnh và tiếp tục sống. Điều này càng củng cố một chân lý: Không quan trọng bạn là ai, bạn có mọi quyền và mọi cơ hội để đứng lên, bước tiếp và dùng mọi khả năng để đương đầu với số phận. Vậy nên, câu nói ở trên là không đủ. Phải là:
Một số người sinh ra trong giàu sang. Một số người sinh ra với nỗi đau bệnh tật. Nhưng, quyền được nỗ lực giữa họ là công bằng.
Sau chuyến đi, tôi, và chắc hẳn cả tất cả thành viên của CLB, đã học được một bài học quý giá về cuộc sống, và chắc chắn đã có thêm động lực để tiếp tục hành trình đến với tương lai của chúng tôi. Mỗi khi gặp thử thách, mỗi khi thất bại, điều duy nhất cần phải làm là đứng lên và làm lại, một lần và nhiều lần nữa. Nếu cố gắng hết sức, những điều tốt đẹp nhất định sẽ đến, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Nụ cười đó, nụ cười mà tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quên được.
Ngày mai là thứ 2, một tuần mới lại bắt đầu. Trong khi cháu vẫn tận hưởng cuộc sống đến trường, đi học, thì các cô các bác, những bệnh nhân vô danh trong xóm trọ nhỏ, có thể đang mưu sinh trên con phố nào đó, đánh giày, làm khuân vác cho cửa hàng hay bất kì công việc gì giúp cô bác kiếm được tiền chữa bệnh. Thật không may là hiện giờ cháu chưa có khả năng giúp mọi người. Nhưng cháu mong là trong tương lai, cháu sẽ phát minh ra được chiếc máy giúp bệnh nhân suy thận không phải đến bệnh viện chạy thận nhiều như thế. Từ đáy lòng, cháu mong cuộc sống của mọi người sẽ suôn sẻ hơn, dù chỉ một chút.
Tết đang ngày càng cận kề.
Tất nhiên, các cô các bác không thể đọc được những dòng này của cháu.
Nhưng cháu muốn chúc mọi người một năm mới hạnh phúc với những điều tốt đẹp nhất! Hãy luôn vui vẻ và đừng bao giờ đánh mất hy vọng!
Một số hình ảnh khác của Phú Mạnh trong chuyến đi từ thiện “Đông ấm áp – Tết yêu thương”:



American Study – Nơi chắp cánh ước mơ du học Mỹ!
Email: americanstudy.info@gmail.com
Hotline: 096 410 2268 – 0912 170 676 – 0946 211 151
Fanpage Facebook: American Study
Địa chỉ:
– CS1: Tòa nhà Yên Hòa Sunshine, 09 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
– CS2: Tòa nhà Viettel Complex, 285 Cách mạng tháng 8, phường 12, quận 10, TP. HCM