Khác với đa số bạn bè tại ngôi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cô bạn Nguyễn Trần Thục Phương chuẩn bị cho hồ sơ du học khá muộn. Đến cuối kì 1 năm lớp 11, Phương mới để ý đến bộ hồ sơ du học Mỹ trong khi thời gian lý tưởng nhất để chuẩn bị là ngay từ lớp 10. Xuất phát điểm ở phía sau các bạn không khiến Phương cảm thấy tự ti mà trái lại đã tiếp thêm sức bật mạnh mẽ cho cô nàng. Thành công cuối cùng cũng đã đến với Phương khi em liên tiếp nhận được học bổng 5.4 tỷ cho 4 năm học từ trường ĐH Richmond và học bổng 100% từ VINUNI.
Bố là người truyền cảm hứng du học
Bố của Thục Phương là tiến sĩ từng theo học tại Pháp. Được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến, bố luôn khuyến khích và tạo điều kiện để con gái có cơ hội tiếp thu những quan điểm tiến bộ từ phương Tây. Trước đây, Phương cũng đã từng học tiếng Pháp để phục vụ cho mục đích du học tại quốc gia này. Tuy nhiên, gia đình, đặc biệt là bố, lại định hướng cho em sang Mỹ du học bởi sự đa dạng văn hoá cũng như nền tảng kinh tế vững mạnh tại xứ cờ hoa.
Bản thân Phương cũng có chung suy nghĩ với bố. Cô gái 17 tuổi chia sẻ rằng: “4 năm đại học không chỉ đơn giản là tiếp thu kiến thức mà còn giúp hình thành con người mình nữa”. Theo nguyện vọng ban đầu, Phương sẽ theo học tại trường ĐH Richmond chuyên ngành Kinh tế. Nghĩ về tương lai, em rất tự tin: “Em nghĩ mình sẽ học hỏi không chỉ về kiến thức mà còn là những kinh nghiệm thực tế trên thị trường, học hỏi được nhiều điều từ những con người biết tư duy về kinh tế”.
Doanh nghiệp từ trái tim và sự đồng cảm
Nhìn vào sơ yếu lý lịch của Phương, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra gần như toàn bộ các hoạt động xã hội của cô nàng đều có yếu tố thiện nguyện. Đối tượng Phương hướng đến là trẻ em khuyết tật, người vô gia cư, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với cô nữ sinh Hà Nội, làm từ thiện không chỉ dừng lại ở phạm vi của một cá nhân mà cần có sức lan toả ra cộng đồng, ý nghĩa lan tỏa mới chính là điều Phương hướng tới. Đây là lí do vì sao em thực hiện hai dự án khởi nghiệp “TP Yogurt” và “Mont.Stationery”.
Hình ảnh Thục Phương đang cắt cỏ trong chuyến đi thực hiện dự án “TP Yogurt” của mình.
“TP Yogurt” ra đời để giúp người nông dân ở nông trường Mộc Châu, xã Pa Khen, Sơn La tận dụng và tối ưu nguồn sữa bò nguyên chất để làm sữa chua. Bên cạnh đó, với đầu óc kinh doanh nhanh nhạy và tố chất lãnh đạo đặc biệt của mình, bạn có được khoản danh thu đáng kể từ việc bán các sản phẩm văn phòng phẩm “Mont.Stationery”. Tổng số tiền 45.000.000 đồng thu được từ các hoạt động kinh doanh đã được Phương dành một phần cho việc mua tặng máy chiếu cho trường Tiểu học Pa Khen 1 và quyên góp phần còn lại đến những người kém may mắn.
Phương cũng nhận thức rõ ràng trách nhiệm đem đến những thay đổi tích cực cho các thế hệ mai sau. Song song với dự án sản xuất sữa chua, Phương tham gia giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tại địa phương. Ngoài ra, Phương còn là chủ tịch của “The Whale-being Project” – dự án nâng cao nhận thức về cá voi và những nguy cơ về tuyệt chủng ở loài cá này. Hai buổi hội thảo về chủ đề này đã thu hút hơn 100 người tham dự.
Cô bé “Thục Phương” rất vui vẻ khi tham gia dạy kĩ năng sống cho các bé học sinh tại Thái Bình.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Những chương trình ngoại khóa tại American Study đã giúp Phương thay đổi suy nghĩ về xã hội. Phương tham gia mọi chuyến đi, mọi hoạt động cho dù đó không phải là các dự án mình đang theo đuổi. Theo chân các anh chị ở American Study đến thăm hỏi những gia đình thuộc diện hộ nghèo ở Thuỵ Khuê, cô học sinh trường Ams đã phải thốt lên: “Em chưa bao giờ nghĩ ở Hà Nội mà lại có những người phải sống trong điều kiện khổ như thế!”
Trong khi tham gia vào các chuyến tình nguyện dài ngày, Phương cũng đã được trải nghiệm những điều mà em sẽ không bao giờ có được khi ở thành phố. Phương hồi tưởng lại câu chuyện lội bùn đến đầu gối để đến được nơi cần khám phá. Trong những ngày ở Mộc Châu, nữ sinh 17 tuổi lần đầu được cưỡi trâu, cắt cỏ và cho bò ăn. Về ấn tượng đầu tiên khi được sống như một đứa trẻ mục đồng, Phương vừa thật thà vừa hào hứng kể lại: “Mấy con trâu đáng yêu dã man nhưng mỗi tội hơi hôi”. Có lẽ do hoạt động thể chất nhiều, cô nàng cảm thấy bữa tối ở nhà dân rất ngon và không hề khó ăn như trong tưởng tượng.
Hình ảnh lội bùn đáng yêu của Thục Phương cùng các bạn học viên của American Study tham gia hoạt động ” Dọn rừng ngập mặn” tại Thái Bình.
Bài luận đầy xúc động về ông
Cũng giống như đa số các học sinh, Phương cũng gặp một vài khó khăn về bài luận. Khi đề bài yêu cầu em phải chọn giữa việc thay đổi một điều của quá khứ hoặc tương lai, Phương nghĩ ngay đến việc sẽ được gặp gỡ một nhân vật lịch sử nào đó để thể hiện hiểu biết của mình. Tuy nhiên, cô Tuyên – Tổng Giám đốc của American Study, người theo sát Phương trong suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ du học đã khuyên em nên chọn những đề tài gần gũi và chân thực với bản thân nhất khi viết luận.
Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, Phương muốn thời gian được quay trở lại để gặp ông. Cô cháu gái đã nhắc lại những kỉ niệm về chậu hoa hải đường trồng chung với ông cho đến khi phải xa ông. Phương từng có một thời gian trốn tránh khi biết ông bị bệnh. Em không muốn nhìn người mình yêu thương nhất phải chịu đau đớn. Cho đến khi lấy đủ dũng khí để gặp ông, Phương lại thấy xấu hổ vì mình đã không giữ lời hứa cùng ông chăm sóc chậu hoa ngày trước. Các vị giám khảo trong hội đồng xét tuyển chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng xúc động khi đọc được toàn bộ diễn biến tâm lý chân thực của người cháu gái giàu tình cảm. Qua điều này, Phương đã hiểu ra ý nghĩa trong lời khuyên của cô Tuyên: “Bài luận có thể về những điều sáng tạo nhưng cũng có thể viết dựa trên những trải nghiệm của cá nhân mình dưới góc nhìn mới mẻ hơn”.
>>>Xem thêm: Nam sinh nhận học bổng hơn 7 tỷ của Ivy League
Sau sáu tháng “chạy đua nước rút”, Phương đã đem về những vinh quang cho bản thân và gia đình. Qua câu chuyện của Phương, chúng ta thấy rõ rằng sự phi thường đôi khi xuất phát từ chính trong tâm hồn. Những trải nghiệm rất đỗi giản dị trong cuộc sống cũng có thể nuôi dưỡng những lí tưởng cao cả, chỉ cần có tinh thần sẵn sàng học hỏi. American Study tin chắc rằng Phương, với những phẩm chất đang có, sẽ còn tiếp tục bổ sung thêm vào vốn sống của mình những phát hiện mới mẻ về văn hóa, con người và nền kinh tế nước Mỹ trong thời gian sắp tới.