Phạm Lê Thuỳ Linh – Khao khát dùng nghệ thuật để truyền tải thông điệp về nữ quyền
Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Đối với Linh, nghệ thuật vị nghệ thuật để thoả mãn tâm hồn người nghệ sĩ nhưng nghệ thuật vị nhân sinh sẽ mang đến cho người nghệ sĩ cảm giác trọn vẹn và ý nghĩa hơn khi những tác phẩm của mình mang đến giá trị thực sự cho cộng đồng.
Du học Mỹ đến như một cơ duyên
Quyết định đi du học Mỹ đến với Linh có thể gọi là một “cơ duyên” bởi vì lựa chọn ban đầu của em không phải nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu sâu hơn, Linh dần dần nuôi dưỡng tình yêu với xứ sở cờ hoa, với văn hoá và con người nơi đây. Không chỉ là “cái nôi” của học thuật với nền giáo dục vượt bậc luôn dẫn đầu thế giới, Mỹ còn sở hữu nền văn hoá đa sắc tộc với tổng hòa của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Linh tin rằng việc sống và học tập ở đất nước này sẽ là cơ hội để em phát triển tầm nhìn rộng hơn.
Tình yêu và năng khiếu nghệ thuật đã giúp Linh đạt được học bổng danh giá của trường đại học Smith – top 15 trường khai phóng tốt nhất nước Mỹ. Lý do Linh chọn ngôi trường này cũng vô cùng đặc biệt. Trường đại học Smith là một trong chuỗi bảy trường đại học dành cho nữ sinh ở khu vực Đông Bắc Mỹ. Trường đề cao tinh thần nữ quyền (sisterhood) và hướng tới nền giáo dục giúp đỡ nữ sinh tiếp cận những kiến thức học thuật ngang tầm nam giới. Chính sứ mệnh đó đã khiến Linh tin rằng Smith College là đích đến của em.
Đam mê được khơi dậy sau những hoạt động ngoại khoá
Trước khi đến American Study, Linh tự nhận xét mình là một cô bé hướng nội, nhút nhát và khá ít nói. Vậy mà, khi tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa với sự đồng hành của các anh chị phòng ngoại khóa, em tình cờ tìm lại được đam mê một thời tưởng chừng đã đánh mất: hội hoạ.
Dự án đầu tiên Linh tham gia với vai trò leader là dự án “ Art house project” – chùm hoạt động nghệ thuật diễn ra với mục đích quyên góp ủng hộ những trẻ em kém may mắn. Xuyên suốt dự án là các hoạt động nổi bật từ dạy vẽ và bán túi handmade cho trẻ em ở bệnh viện nhi trung ương tới những chuyến đi sơn, vẽ tường ở trường THCS Thuỵ Hải, Thái Bình. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi tiến hành từng dự án không làm cô bạn nhỏ sờn lòng. Quên sao được nỗi sợ hãi khi đứng chênh vênh trên những bậc thang mỏng manh, sự ngộp thở khi vẽ tranh tường dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè Vậy mà, có một sức mạnh thôi thúc em miệt mài làm việc và cuối cùng cũng hoàn thành bức vẽ tranh tường của mình. Đó chính là niềm hạnh phúc là khi nhìn thấy biết bao ánh mắt khích lệ, nhận được những lời ngưỡng mộ, động viên và cảm ơn của các em học sinh trường Thuỵ Hải. Điều đó giúp em nhận ra hoạt động nghệ thuật của mình đang thật sự có ý nghĩa. Nó không còn đơn thuần để thoả mãn cái tôi riêng của riêng mình mà nó còn giúp lan tỏa niềm vui và hy vọng đến những người khác.
Tiếp tục hành trình của mình, Linh tổ chức triển lãm tranh ở Gà Phê. Triển lãm gồm 20 bức tranh ký hoạ về Hà Nội do chính em thực hiện. Đây có thể coi là một bước ngoặt lớn đưa bạn ra khỏi “vùng an toàn” của chính mình. Dự án đã thu về 5 triệu đồng trong 1 ngày triển lãm và toàn bộ số tiền này đã được dùng để quyên góp cho những trẻ em kém may mắn, với hy vọng các em sẽ vững vàng hơn để chống chọi với bệnh tật. Ý nghĩa lớn nhất của món quà vật chất nhỏ bé này là niềm vui của những bạn nhỏ khi có một người chị đồng cảm và sẻ chia với nỗi đau của họ.
Bài luận nổi bật về chủ đề khác biệt
Không giống với các chủ đề bài luận mọi người thường nghĩ đến như gia đình, trải nghiệm chiến thắng các cuộc thi hay những lần thất bại, cô gái cá tính chọn viết về một chủ đề khiến nhiều người bất ngờ: bàn về bức tranh Thần Vệ nữ của danh hoạ nổi tiếng người Ý Sandro Botticelli. Bức tranh miêu tả cảnh sau khi trôi dạt trên biển, Thần Vệ nữ bước ra từ vỏ sò, tỏa sáng rực rỡ. Ở thời bấy giờ, bức tranh là một tác phẩm cực kỳ táo bạo. Có lẽ đó cũng chính là lý do Thuỳ Linh chọn bức tranh để gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về nữ quyền, cất lên tiếng nói bảo vệ phụ nữ trước những định kiến cổ hủ về việc phái nữ không nên học quá cao. Linh cũng tự liên hệ bức tranh với chính bản thân mình. Không có cách nào thoát ra khỏi những suy nghĩ “lối mòn” đó nếu em không bứt phá để tự phát triển. Quyết định đi du học đối với em chính là bước đột phá để Linh bước ra khỏi vỏ sò của chính mình, để tỏa sáng rực rỡ như Thần Vệ nữ xinh đẹp.
Tạm kết
Thay mặt American Study, xin được chúc mừng Thuỳ Linh đã đạt được thành tích rực rỡ và tiến thẳng đến cánh cổng đại học mơ ước. Chúc em thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình và thực hiện được ước mong mang nghệ thuật đến gần công chúng hơn và dùng nghệ thuật để lan tỏa niềm vui đến mọi người.