Phan Kế Hiếu (THPT Tạ Quang Bửu) – “Moderne rêve project”

Phan Kế Hiếu (THPT Tạ Quang Bửu) – “Moderne rêve project”
Phan Kế Hiếu

Cũng đã gần một tuần trôi qua kể từ chuyến đi tới Thái Bình nhưng bây giờ ngồi đây và hồi tưởng lại những gì đã trả qua trong chuyến đi tôi vẫn cảm thấy những cảm xúc trọn vẹn, buồn vui đủ cả.

 Ngay từ ngày đầu tiên ở Thái Bình,chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 2-3 tiếng buổi tối để cả đoàn làm quen với nhau vì khởi hành khá muộn từ Hà Nội,tuy vậy từng ấy thời gian là đủ để chúng tôi kết bạn và lên kế hoạch hoạt động cho 3 ngày sau đó ở Thái Bình.Sáng đầu tiên ở Thái Bình, tôi rất háo hức khi lần đầu được tham gia vào hoạt động thu gom rác thải nhựa ở một nơi đặc biệt như là rừng ngập mặn.Đó là một ngày khá “bội thu” của nhóm khi bên cạnh số rác lớn được lấy về,thầy giáo dạy Địa ở địa phương kiêm trưởng đoàn khám phá rừng ngập mặn đã dạy cho chúng tôi những điều thú vị về hệ sinh thái nơi ấy,những kiến thức thú vị về những cây sú,cây mắm thầy chỉ cho chúng tôi không hề có trong sách giáo khoa và cũng chẳng lớp dạy Địa trên trường phổ thông nào ở Hà Nội dạy về rừng ngập mặn cả.Buổi sáng của tôi kết thúc khi cả đoàn di chuyển về khách sạn sau 5 tiếng lặn lội ở rừng để chuẩn bị cho hoạt động giảng dạy vào ngày chủ nhật (28/6).

 Không chỉ có trải nghiệm tại rừng ngập mặt làm tôi hứng thú, việc hợp tác với những thành viên khác trong nhóm giảng dạy về tái chế cũng khiến tôi hơi choáng ngợp khi tốc độ làm việc và tính chuyên nghiệp hoá của họ rất cao.Chỉ trong một buổi chiều làm việc cùng nhóm,tôi có cơ hội thu được những kỹ năng mới về giảng dạy cho trẻ em từ những thành viên dày dặn kinh nghiệm từ các dự án họ đã từng hoạt động.Sang đến ngày hôm sau,khi tôi đặt chân tới trường tiểu học Thuỵ Hải để sẵn sàng cho lớp dạy đầu tiên,cảnh tượng trước mắt tôi mở ra đúng như lời thầy trưởng đoàn nói ” Trường học nơi đây đơn sơ và nhỏ bé,chỉ đủ để phục vụ những nhu cầu tối thiểu nhất cho các em học sinh”.Không có những phòng học mát lạnh gió điều hoà như ở Hà Nội,tôi được biết các em học sinh mà tôi sắp dạy phải học quanh năm chỉ với vỏn vẹn 6 cái quạt điện trong lớp cùng với trung bình 40 em học sinh mỗi lớp-một con số rất lớn. Hôm ấy mọi ca dạy của nhóm tôi đều diễn ra suôn sẻ và những ngày hôm sau cũng như vậy.Tuy nhiên trong ở lớp 3C mà tôi dạy vào sáng thứ 2 (29/6),có một em nhỏ với hoàn cảnh rất đặc biệt mà tôi đã được tiếp xúc ghi tôi đang dạy các em làm thuyền từ nhựa.Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn,bố mẹ đi xuất khẩu lao động,chỉ Tết mới về chơi với em,chính vì vậy mà em ở với ông bà và may mắn nhờ có trợ cấp từ huyện mà giờ em mới được đi học.Đến giờ tôi vẫn nhớ như in câu hỏi của em dành cho tôi :” Ở Hà Nội có biển không anh? Nếu em có thể kiếm đủ tiền,em sẽ mua một con thuyền ở Thái Bình để đi về Hà Nội!”.Câu hỏi ngây thơ của em ban đầu khiến tôi bật cười vì từ Thái Bình về Hà Nội lấy đâu ra đường biển để đi thuyền.Tuy nhiên trưa hôm ấy sau khi về đến khách sạn,tôi chợt nằm trên giường suy nghĩ về câu hỏi hồn nhiên của em nhỏ ấy mà gợi buồn,phải chăng ngay cả khi quê em có biển,có những khu rừng ngập mặn,có những cánh đồng muối, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà chiếc thuyền mà em mong muốn ấy khó có thể có được.Ánh mắt long lanh của em khi ngước nhìn con thuyền mà nhóm học sinh tôi dạy tạo thành sau 1 tiết học như ánh mắt của một người thuỷ thủ bị trói chân ở bờ,vô vọng ngước nhìn ra ngoài khơi.Tuy nhiên trong em vẫn thể hiện sự quyết tâm ngay cả trong tiết học đóng thuyền với tôi hay như những điểm 9,điểm 10 mà em cho tôi xem trong vở ghi của em.Trong chàng học sinh ấy dường như luôn có một ngọn lửa khao khát được bùng cháy cùng với những ước mơ của mình.

Tôi thật hạnh phúc khi đã được trò chuyện cùng em và ít nhiều truyền được thêm cho em động lực trong quá trình phát triển bản thân và học tập của em.Cho đến giờ,tôi vẫn không biết em học được nhiều hơn từ mô hình thuyền mà tôi đã dạy em làm từ rác thải nhựa hay chính em mới là người thầy giáo đã thầm lặng dạy cho tôi lòng quyết tâm vượt lên hoàn cảnh của chính bản thân để dám mơ ước và đạt được những mục tiêu của mình.Chuyến đi Thái Bình ấy đã mang lại cho tôi những cảm xúc buồn vui lẫn lộn cùng với những kiến thức và kỹ năng mới từ thầy và các thành viên cùng đoàn với tôi,tuy nhiên,em học sinh nam lớp 3C ấy đã soi sáng cho tôi về con đường trong tương lai và con đường đó mang tên ” Không bỏ cuộc “.

    Nhận tư vấn 1-1

    CÙNG CHUYÊN GIA

    Call Now ButtonHotline tư vấn xin học bổng